SWOT là một mô hình phân tích các yếu tố trong thiết lập kế hoạch kinh doanh đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích được ứng dụng phổ biến trong kinh doanh. Đây có thể xem là bước tiền đề cho chiến dịch 4P Marketing của doanh nghiệp. Vậy mô hình SWOT là gì? Cách triển khai mô hình SWOT như thế nào? Trong bài viết này, Advertising sẽ giúp các bạn tìm hiểu rõ các vấn đề trên.
1. Nguồn gốc hình thành
Nguồn gốc của ma trận SWOT
Chúng ta đã quá quen thuộc với phương pháp phân tích SWOT, nhưng liệu đã bao giờ tò mò về nguồn gốc cũng như ai là tác giả của khái niệm này hay chưa?
Mô hình SWOT được phát minh bởi một nhà tư vấn và kinh doanh người Mỹ tên là Albert Humphrey vào những năm 1960. Cụ thể, trước việt thất bại nhiều lần trong việc lập kế hoạch kinh doanh, Ông đã đề xuất mô hình SWOT để tìm ra nguyên nhân các công ty trong việc lập kế hoạch đồng thời phân tích được những yếu tố khách quan về điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp cũng như các mối đe dọa.
Lúc đầu, mô hình này được gọi là SOFT bao gồm: Satisfactory (điều hài lòng), Opportunities (Cơ hội), Fault (sai lầm), và Threats (nguy cơ). Tuy nhiên, đến năm 1964, nhóm nghiên cứu đã đổi chữ F thành chữ W và tạo nên mô hình SWOT cho đến nay. Mô hình này được thử nghiệm đầu tiên tại công ty Erie Technological corp.
2. SWOT là gì?
SWOT là viết tắt của 4 từ Tiếng Anh: Strengths (thế mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Đây là một mô hình được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp với mục đích phân tích kinh doanh.
Theo mô hình này, doanh nghiệp cần phải xác định được 4 yếu tố bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức và đây cũng là những yếu tố cốt lõi để giúp doanh nghiệp hiểu rõ về thương hiệu của mình trước khi thực hiện bất kỳ một chiến dịch Marketing nào.
Trong 4 yếu tố này thì hai yếu tố điểm mạnh và điểm yếu được xác định từ chính bên trong doanh nghiệp ví dụ như nguồn ngân sách, cơ sở vật chất, danh tiếng, vị trí địa lý….và doanh nghiệp có thể kiểm soát được.
Trong khi đó hai yếu tố Cơ hội và Thách thức lại đến từ bên ngoài, những yếu tố có thể tác động đến doanh nghiệp ( tích cực và tiêu cực), ví dụ như thị trường, đối thủ, kênh phân phối….những yếu tố này nếu gặp phải thì đòi hỏi doanh nghiệp phải thích nghi theo vì nó không thay đổi được.
3. Phân tích SWOT là gì?
Phân tích SWOT là một công việc cực kỳ quan trọng của tất cả các doanh nghiệp trước khi thực hiện bất kỳ một chiến dịch marketing nào. Ví nó giúp doanh nghiệp nhìn nhận được vị trí của doanh nghiệp trên thị trường đồng thời thấy được những khó khăn mà họ phải đối mặt từ đó có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Tóm lại, với ma trận SWOT, doanh nghiệp sẽ phân tích 4 khía cạnh như sau:
- Điểm mạnh: Những đặc điểm mà doanh nghiệp có ưu thế hơn với đối thủ
- Điểm yếu: Những điểm mà doanh nghiệp còn thiếu, không có khả năng hoặc thiếu hơn so với đối thủ
- Cơ hội: Những nguồn lực mà doanh nghiệp có thể khai thác để mang lại lợi ích
- Thách thức: Những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp hoặc dự án.
4. Mô hình SWOT được áp dụng trong lĩnh vực nào?
Phân tích SWOT (hay ma trận SWOT) là một kỹ thuật quan trọng để giúp doanh nghiệp đề ra mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển, xây dựng thương hiệu. Do đó, mô hình này có thể được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực.
Phân tích SWOT là cực kỳ cần thiết vì nó sẽ quyết định đến bước tiếp theo mà bạn thực hiện. Dựa trên kết quả phân tích, doanh nghiệp có thể đánh giá về tính khả thi của dự án, từ đó quyết định đầu tư hay không.
Bên cạnh đó, phân tích SWOT còn giúp doanh nghiệp dự trù nhữn rủi ro có thể xảy ra từ đó có kế hoạch xử lý kịp thời. Mọi kế hoạch được có sự chuẩn bị trước đều giúp làm giảm thiệt hại không đáng có.
Bên dưới đây là một số trường hợp cần phân tích ma trận SWOT:
- Lên kế hoạch phát triển thương hiệu
- Brainstorm
- Đưa ra quyết định
- Phát triển thế mạnh
- Loại bỏ, khắc phục điểm yếu
- Giải quyết các vấn đề như vấn đềvề nhân viên, cơ cấu tổ chức, nguồn lực tài chính …
5. Ưu nhược điểm của mô hình SWOT
Ưu điểm
- Không tốn chi phí
Phân tích SWOT là hình thức giúp doanh nghiệp phân tích tình hình kinh doanh nhưng lại không tốn chi phí và đem lại hiệu quả khá cao.
- Hiểu về tình hình doanh nghiệp
SWOT sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được 4 khía cạnh: điểm mạng, điểm yếu, cơ hội và thách thức để doanh nghiệp nhìn thấy vị trí của mình trên thị trường đồng thời hạn chế những rủi ro dựa trên nguồn lực sẵn có.
- Ý tưởng mới
Bằng cách phân tích 4 phương diện trong mô hình SWOT, doanh nghiệp sẽ có thêm ý tưởng mới để phát triển doanh nghiệp dựa trên những tiềm năng có sẵn.
Nhược điểm
- Kết quả chưa chuyên sâu
Phân tích SWOT thường do bộ phận lãnh đạo phân tích trước khi thực hiện chiến dịch nào đó. Tuy nhiên, những phân tích này khá đơn giản và chưa có chiều sâu, còn dựa vào ý kiến chủ quan từ doanh nghiệp do đó nó không đủ để hoàn thiện đánh giá.
- Cần kết hợp thêm các công cụ khác
Phân tích ma trận SWOT chỉ giúp vẽ ra một bức tranh toàn cảnh chứ chưa thực sự đi sâu vào từng vấn đề. Để đạt được hiệu quả như mong đợi thì chỉ thực hiện một phương pháp phân tích này là không đủ.
- Phân tích chủ quan
Mọi nhìn nhận, phân tích mô hình này đều đến từ phía Công ty do đó không khó tránh khỏi cái nhìn chủ quan, nhìn nhận không đúng so với thực tế.
6. Hướng dẫn xây dựng mô hình SWOT
Mô hình SWOT thường được triển khai dưới dạng 4 ô vuông nhưng bạn cũng có thể triển khai dưới dạng danh sách, sơ đồ cây theo ý muốn. Cách trình bày tùy thuộc vào mỗi người, quan trọng nhất là phân tích đúng và đủ, dễ hiểu.
Strength – Thế mạnh
Khía cạnh cần phân tích đầu tiên là Strength – điểm mạnh. Điểm mạnh chính là những đặc điểm mà bạn nghĩ rằng nó thuận lợi để doanh nghiệp phát triển hoặc thực hiện thành công dự án. Ví dụ, điểm mạnh Công ty của bạn là nhân viên chăm chỉ, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ lãnh đạo tài giỏi hoặc công ty bạn nằm ở vị trí thuận lợi….
Để giúp hình dung rõ hơn, hãy thử trả lời các câu hỏi bên dưới để xác định chính xác hơn:
- Điều gì ở doanh nghiệp mà khách hàng yêu thích
- Điều gì mà doanh nghiệp làm tốt hơn so với đối thủ
- Doanh nghiệp đang có những ý tưởng hay nào?
- Tài nguyên nào mà chỉ bạn có còn người khác thì không?
- Điều gì giúp bạn tiếp cận khách hàng tốt hơn?….
Việc đặt câu hỏi và tự trả lời sẽ giúp bạn có được cái nhìn bao quát hơn vê điểm mạnh của doanh nghiệp.
Weakness – Điểm yếu
Song song với điểm mạnh luôn là phân tích điểm yếu. Tự nhìn nhận đúng những điểm chưa tốt sẽ giúp doanh nghiệp biết được vấn đề cần cải thiện và điều này là hết sức quan trọng.
Đôi khi, bạn không thể tự nhìn thấy khuyết điểm của mình nếu không có sự nghiêm túc và chân thành. Hãy thử trả lời các câu hỏi bên đây:
- Điều gì mà khách hàng không thích ở doanh nghiệp?
- Khách hàng thường phản ánh, khiếu nại về vấn đề gì?
- Tại sao khách hàng không mua hàng của bạn?
- Đặc điểm thương hiệu tiêu cực nào mà bạn đang mắc phải?
- Trở ngại trong bán hàng của doanh nghiệp là gì?
- Những nguồn lực nào mà đối thủ có nhưng bạn lại không ( hoặc thua kém)
Đối với việc xác định điểm yếu, bạn cần có cả cái nhìn khách quan và chủ quan, hãy thành thật và đối mặt với những khuyết điểm của mình để phát triển hơn.
Opportunity – Cơ hội
Cơ hội là những đặc điểm , nguồn lựa có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và thường đến từ bên ngoài. Để nhìn thấy cơ hội thì bạn phải là người có tầm nhìn chiến lược, tích cực để luôn nhìn thấy những cơ hội trong muôn vàn khó khăn.
Cơ hội có thể đến từ nhiều phía ví dụ như thời tiết, khách hàng tiềm năng, nguồn lực có thể kêu gọi vốn, hoặc những ý tưởng độc đáo mà doanh nghiệp nghĩ ra….
Thông thường, cơ hội của doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi theo thời gian, mỗi giai đoạn sẽ tiếp cận với những cơ hội khác nhau và thách thức cũng vậy.
Gợi ý bạn một số câu hỏi để xác định rõ hơn về khía cạnh cơ hội như sau:
- Tôi có thể cải thiện quy trình hỗ trợ khách hàng như thế nào?
- Tôi nên sử dụng kênh truyền thông nào để giúp chuyển đổi khách hàng hiệu quả
- Muốn tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng phải làm như thế nào?
- Có nguồn lực nào mà tôi chưa nghĩ đến hoặc chưa sử dụng hết hay không?
- Kênh quảng cáo nào mà doanh nghiệp chưa khai thác hết
Threat – Rủi ro
Cuối cùng chính là phân tích Threat – Thách thức. Thách thức ở đây là những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt ( tác động từ bên ngoài), những yếu tố có thể tác động tiêu cực đến doanh nghiệp hoặc dự án bao gồm cả các rủi ro.
Thách thức có thể đến từ nhiều phía như môi trường, cạnh tranh từ đối thủ, nhu cầu khách hàng thay đổi, luật pháp….
Đôi khi, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những vấn đề/ rủi ro mà không có sự chuẩn bị trước ví dụ như biến động thị trường, luật pháp, hoặc những rủi ro nội bộ như nhân viên nghỉ đột xuất….
Ví dụ về mô hình SWOT của Vinamilk
Vinamilk là một trong những công ty sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa hàng đầu Việt Nam. Vinamilk cũng là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ việc đầu tư vào những nội dung hay và phù hợp với đối tượng khách hàng của mình thông qua các chiến lược Marketing hiệu quả cụ thể là mô hình SWOT
Điểm mạnh
Thương hiệu Vinamilk nổi tiếng: Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1976, Vinamilk đã xây dựng lên một thương hiệu mạnh cho sản phẩm sữa tại thị trường Việt Nam.
Chiến lược Marketing hiệu quả: tận dụng đa dạng các kênh như TV, báo đài, billboard, fanpage, truyền hình,… để quảng cáo sản phẩm của mình. Với chiến lược quảng cáo sản phẩm đa kênh, độ phủ sóng đã giúp cho Vinamilk triển khai thành công các chiến dịch Marketing của doanh nghiệp.
Danh mục sản phẩm đa dạng: Vinamilk cung cấp các sản phẩm sữa đa dạng với trên 200 sản phẩm sữa và các mặt hàng từ sữa, phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng. Các sản phẩm của Vinamilk đa dạng với các kích cỡ bao bì khác nhau mang đến cho khách hàng tại thị trường Việt Nam các sản phẩm sữa tiện dụng.
Mạng lưới phân phối rộng khắp: Vinamilk đã bán sản phẩm thông qua 240 nhà phân phối cùng với hơn 140.000 điểm bán hàng tại toàn bộ 64 tỉnh thành của cả nước. Đội ngũ bán hàng nhiều kinh nghiệm gồm 1.787 nhân viên bán hàng trên khắp đất nước đã hỗ trợ cho các nhà phân phối phục vụ tốt hơn các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng
Vinamilk ứng dụng công nghệ cao: Vinamilk sở hữu công nghệ sản xuất châu Âu đạt tiêu chuẩn toàn cầu, thiết bị khử trùng của Vinamilk được nhập khẩu từ Thụy Điển cùng các trang thiết bị khác có xuất xứ từ các nước châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 50001: 2011 và HACCP đều được áp dụng để kiểm soát hệ thống sản xuất.
Điểm yếu
Vinamilk chưa tự chủ được nguồn nguyên vật liệu: Nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất, thì 70% nguồn cung và tỷ lệ nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu sữa của thể giới. Với sự phụ thuộc này, tình hình sản xuất và kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài cũng như bị ảnh hưởng những yếu tố như lạm phát, khủng hoảng kinh tế,…
Thị phần sữa bột chưa cao: người dùng có xu hướng sử dụng sữa bột nhập khẩu cao hơn sữa bột được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu sữa ngoại được nhập khẩu từ châu Âu nên thị phần sữa bột của Vinamilk vốn giữ vị trí độc quyền đang có xu hướng tuột dốc.
Cơ hội
Nguồn nguyên liệu cung cấp đang được hỗ trợ từ chính phủ, nguyên liệu nhập khẩu có thuế suất giảm: Chính phủ cũng đang hỗ trợ về nguồn nguyên liệu cung cấp và giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí sản xuất yêu cầu các sản phẩm sữa, đặc biệt sữa cho trẻ em. Đây chính là cơ hội to lớn mà Vinamilk cần nắm bắt để sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng
Lượng khách hàng tiềm năng cao và nhu cầu lớn: Việt Nam có mật độ dân số cao, tỷ lệ dân có xu hướng đô thị hóa trong những năm gần đây tăng, trình độ học vấn tăng cao, thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng dần được cải thiện… Đây đều là những cơ hội mà Vinamilk cần nắm bắt.
Nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt tăng cao: Hầu hết người Việt Nam đều có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, nhiều người còn sử dụng các sản phẩm từ sữa cho việc làm đẹp hoặc nấu ăn. Vì thế, đây chính là cơ hội và tiềm năng lớn để Vinamilk tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong ngành sữa.
Khách hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có lợi ích cho sức khỏe: Xu hướng khách hàng tiêu thụ sản phẩm có lợi cho sức khỏe Vinamilk đã được công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đóng góp cho việc gia tăng lợi thế, tăng trưởng doanh số và mở rộng thị trường. Chính niềm tin vào thực phẩm dinh dưỡng, xu hướng phát triển của thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe, thu nhập cao đã trở thành nhân tố tiếp theo cho sự phát triển của Vinamilk.
Thách thức
Nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường: Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng dẫn đến sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Với một thương hiệu lâu năm như Vinamilk, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn. Một số những đối thủ chính của Vinamilk có thể được kể đến như: TH True Milk, Dutch Lady,… cùng những thương hiệu mới nổi như Meadow Fresh hay Table Cove,…
Nguồn nguyên vật liệu đầu vào không đáp ứng đủ: Tuy sở hữu những trang trại bò sữa chuẩn quốc tế, nguyên liệu của Vinamilk vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Ngoài ra, do lợi nhuận từ chăn nuôi không cao nên nông dân có xu hướng chuyển đổi công việc
Khách hàng Việt Nam có xu hướng chuộng sữa ngoại: Đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, khách hàng có xu hướng chuộng hàng ngoại hơn. Họ cho rằng hàm lượng dinh dưỡng và độ an toàn từ sản phẩm xách tay cao hơn hàng nội địa. Với tình hình này, Vinamilk cần tăng cường thêm nhiều chiến dịch quảng bá thương hiệu, khẳng định giá trị dinh dưỡng của sản phẩm không thua kém bất cứ thương hiệu ngoại quốc nổi tiếng
Hy vọng với những thông tin tổng quan trên đây đã giúp bạn hình dung rõ hơn về công việc phân tích SWOT là gì cũng như các cách phân tích SWOT công ty một cách chính xác. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công khi thực hiện phân tích SWOT và ứng dụng mô hình này vào lĩnh vực kinh doanh phát triển doanh thu doanh nhiệp nhé!